Bạn có biết cách đi bộ sao cho đúng?

Rate this post

Sau khi khám bệnh, thầy thuốc thường khuyên bệnh nhân đi bộ. Tuy nhiên vì quá bận rộn, không thể hướng dẫn chi tiết đi bộ như thế nào cho hợp lý. Cũng có thể bệnh nhân nghe bạn bè mách bảo đi bộ tốt cho sức khỏe nên bắt đầu đi bộ. Đi bộ một thời gian có người khỏe ra, sung mãn và vui tươi, có người bệnh ngày càng nặng thêm mà chẳng hiểu tại sao!?

Thực ra, đi bộ là một loại hình thể dục thể thao đơn giản nhất nhưng cũng phải có những chỉ định và cách thức đi bộ hợp lý. Bệnh nhân bị đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm nặng mà đi bộ với tốc độ nhanh, đường dốc thì chắc chắn bệnh sẽ nặng thêm. Đau khớp gối, thoái hóa khớp gối giai đoạn cấp tính đi bộ nhiều cũng sẽ làm đau thêm và làm tổn thương mặt khớp. Viêm khớp háng, thoái hóa khớp háng, hoại tử chỏm xương đùi vô khuẩn, đi bộ sẽ làm bệnh trầm trọng thêm. Gai gót chân, viêm gân bàn chân không thể đi bộ nhiều được. Những bệnh lý tim mạch nặng cũng cần có chỉ định nghiêm túc của thầy thuốc để tránh tai biến xảy ra. Quá nhiều bối cảnh bệnh lý không nên đi bộ hoặc đi bộ hết sức cẩn thận và không được quá sức. Ngay cả với những trường hợp cần phải đi bộ để phòng bệnh hay điều trị bệnh nhưng nếu đi không đúng cách thì cũng không thể lành bệnh mà còn làm cho bệnh trở nặng.

di-bo-moi-ngay-song-khoe-song-lau-01

Đi bộ là phương pháp tập luyện cơ thể và thư giãn tinh thần. Nhưng đi như thế nào cho đúng cách là một vấn đề phải chú ý, nếu không, chúng ta sẽ mất thời gian mà không thu được kết quả nào cả, đôi khi còn mang bệnh thêm. Đầu tiên chúng ta hãy bàn về cách đi. Khi đi cứ tự nhiên, đừng quá gò bó theo kỹ thuật nào cả, tuy nhiên nhìn chung nên nhìn thẳng về phía trước, toàn thân thư giãn – đặc biệt là hai vai, hai tay, khớp háng và hai chân, người giữ thẳng, đừng chúi người ra phía trước hay ngửa ra phía sau quá nhiều, hai tay vung vẩy thoải mái, nhẹ nhàng, biên độ vừa phải và sát hai bên thân người. Khoảng cách giữa hai bước chân thì tùy từng người mà bước sao cho khoan thai, thư thái là được. Cần nhớ khi chân tiếp đất phải bắt đầu từ gót rồi đến cả bàn chân và cuối cùng là mũi chân trước khi chúng ta nhấc chân lên; cứ thế bước liên tục chân này đến chân khác. Khi đi bộ bạn không nên cầm nắm thêm những vật dụng gì trên tay cả vì như thế tâm trí sẽ bị chi phối, không hoàn toàn thảnh thơi, đồng thời có thể làm sai lệch tư thế đi bộ do không thể vẩy hai tay một cách đều đặn được. Khi đi, chúng ta nên thở một cách tự nhiên như đã từng thở. Nếu ta đi bộ đoạn đường dài hơn và với tốc độ nhanh hơn, hơi thở sẽ nhanh hơn, sâu hơn theo một sự bù trừ tự nhiên thế thôi, đừng gắng sức hoặc thở theo nhịp này nhịp kia chỉ thêm phức tạp và đôi khi phản tác dụng.

Đi bộ vừa vận động thân thể vừa thưởng thức phong cảnh và không gian xung quanh để tâm trí được hoàn toàn thư giãn. Không nên sử dụng những phương tiện giải trí khác như nghe nhạc, nói chuyện, bàn chuyện làm ăn. Bạn nên đi bộ vào buổi sáng (sau 6 giờ sáng) hoặc buổi chiều (5 hoặc 6 giờ chiều) trong công viên có những lối đi đẹp, nhiều cây, nhiều hoa, nơi nào có thêm hồ nước, có tiếng chim hót càng tốt.

cach-di-bo-the-nao-tot-cho-nguoi-benh-dau-lung1

Đi bộ đúng cách sẽ làm cho cơ bắp dẻo dai, các khớp vận động tốt, hệ tuần hoàn lưu thông thông suốt và mạnh mẽ, rất tốt cho những bệnh lý về tim mạch (cao huyết áp, xơ vữa động mạnh, bệnh mạch vành), làm mạnh mẽ và an tĩnh thần kinh phòng tránh nhức đầu, mất ngủ, trầm cảm. Những bệnh lý về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, tâm phế mạn, cũng chuyển biến rất tốt khi đi bộ. Béo phì là một bệnh lý rất cần phải tập đi bộ để tiêu hao lượng mỡ thừa, giảm xơ vữa động mạch, phòng và điều trị các biến chứng về tim mạch.

2 Gia Đình

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Subscribe
Notify of
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận