Cháo trai có nhiều tác dụng chữa bệnh mà ít người biết đến. Vừa là bổ dưỡng, vừa có một số tác dụng chữa bệnh thường gặp ở người cao tuổi như tăng huyết áp, u xơ tuyến tiền liệt, đái tháo đường…
Cách nấu cháo trai sông như sau:
Trai sông ngâm nước vo gạo 1-2 ngày cho nhả hết phân, rửa sạch vỏ, đem luộc chín. Lọc lấy thịt nạc khoảng 2-3 con cho một người ăn. Để ráo nước, thái nhỏ, thêm gia vị, nước mắm để ướp cho ngấm. Sau đó xào chín với dầu thực vật hoặc mỡ lợn cho thơm. Dùng cháo ăn liền hay gạo vừa đủ nấu thành cháo. Sau khi cháo nhừ mới cho thịt trai đã xào vào. Để phối hợp tác dụng chữa bệnh, nên cho thêm củ hành với liều lượng 1-2 củ cho mỗi người ăn. Nên ăn khi cháo còn nóng, người tạng hàn có thể cho thêm vài lát gừng thái chỉ hoặc ngay khi chế biến thịt trai có thể dùng gừng tươi giã nhỏ tẩm ướp thịt trai.
Nhân dân ta thường dùng thịt trai sông làm thực phẩm để nấu canh, nấu cháo. Chắc chắn rằng, bất cứ một bà nội trợ nào, tùy điều kiện và hoàn cảnh cũng có thể chế biến được món cháo trai với hương vị “hương đồng gió nội” theo kiểu dân dã, đơn sơ và mộc mạc.
Tác dụng chữa bệnh của trai sông:
Con trai nước ngọt hay là con trai sông như người ta vẫn gọi còn có tên là bạng, được nhân dân dùng thịt trai và cả vỏ trai để làm dùng thuốc. Trai sông thường sống ở ngòi, đầm, ao, hồ, sông, suối… ở đồng bằng, trung du hay miền núi nước ta.
Theo tài liệu của Viện dinh dưỡng Việt Nam, thịt trai sông có chứa 4,6% protid, 1,1% lipid, 16,4 mg% a, 102 mg% P, 70-100 mg% Zn,11,1% mg% Fe. Ngoài ra còn có chứa một số vitamin như B1, B2, PP, C. Đáng chú ý nhất, trai sông là một thực phẩm có chứa nhiều kẽm (Zn). Đây là vấn đề các nhà khoa học đã chứng minh kẽm có tác dụng tốt chữa bệnh xơ tuyến tiền liệt.
Theo Đông y, thịt trai sông có vị ngọt, mặn, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu khát, giáng áp.
Theo tài liệu cổ, Trần Tăng Khí – một y gia đời Đường cho rằng thịt trai có tác dụng sáng mắt, trừ thấp, chủ chữa đàn bà lao tổn ra máu. Đời Tống, Nhật hoa chư giả bản thảo có lời bàn rằng thịt trai có tác dụng trừ phiến, giải nhiệt độc, chữa băng huyết, khí hư, trĩ rò. Nếu trúng độc thuốc đan thạch, lấy bột hoàng liên đặt vào miệng trai, hứng lấy nước nhỏ vào mắt chữa mắt đỏ, mắt mờ… Nhưng cũng có y gia cho rằng, thịt trai sông có tính hơi lạnh, ăn nhiều dễ sinh chứng phong động.
Tài liệu của Viện dược liệu Việt Nam cũng giới thiệu thịt trai sông phối hợp với một số vị thuốc nam có tác dụng chữa bệnh tăng huyết áp, viêm gang vàng da, trẻ em ra mồ hôi trộm… Tài liệu nước ngoài cũng giới thiệu trai sông vừa là món ăn, vừa là vị thuốc chữa bệnh tiểu về đêm, chữa kinh nguyệt quá nhiều, chữa hoa mắt chóng mặt, tăng huyết áp, đề phòng tai biến mạch máu não…
Kinh nghiệm thực tiễn
Với người bị bệnh tăng huyết áp khi chữa bằng các thuốc tây y thường than phiền những điều tế nhị mà ít người dám nói. Đó là căn bệnh trầm kha “trên bảo dưới không nghe”. Món cháo trai này không chỉ có tác dụng tốt trong chữa bệnh tăng huyết áp mà còn không gây chuyện phiền toái đến vậy. Để tăng tác dụng giáng áp, bạn có thể dùng lá dâu bánh tẻ thái nhỏ nấu cùng với món cháo trai này. Ở người đàm trệ (mỡ máu cao) gây hoa mắt chóng mặt, nhức đầu thì khi nấu cháo nên cho thêm mộc nhĩ, nấm hương là hai loại thực phẩm có tác dụng hạ mỡ máu, thông huyết mạch. Ở người bị u xơ tuyến tiền liệt với các biểu hiện đi tiểu đêm, tiểu nhiều lần, nước tiểu không thành tia mạnh, ăn cháo trai có tác dụng thông tiểu tiện. Món ăn này thật thích hợp với người già bị u xơ tuyến tiền liệt. Với nam giới trung, cao tuổi mắc bệnh “trên bảo dưới không nghe” thì đây cũng là món ăn có tác dụng tốt cho việc phòng trung. Người mắc bệnh đái tháo đường thì món cháo này cũng là thích dụng, nhưng khi nấu cháo có thể thay gạo tẻ bằng bột củ mài, một loại dược vật có tác dụng tốt trong chữa bệnh đái tháo đường.