Sự phát triển và rèn luyện thính giác của trẻ

Rate this post

Ở trẻ sơ sinh, cấu tạo của cơ quan phân tích thính giác đã đủ điều kiện để thực hiện chức năng. Trẻ đã có phản ứng với âm thanh (giật mình khi nghe tiếng vỗ tay bất thình lình). Trẻ càng lớn thì khả năng thu nhận và phân biệt âm thanh càng tăng.

Ta có thể chia sự nhận thức của thính giác thành 4 giai đoạn:

  • Ý thức của thính giác: trẻ có thể hiểu được những âm thanh đơn giản; ví dụ: tiếng kêu, tiếng gõ.
  • Sự tập trung của thính giác: trẻ có thể nghe và hiểu được nơi xuất phát của âm thanh.
  • Sự phân biệt của thính giác: trẻ có thể hiểu đúng âm thanh, nói, nghe đúng tên của bạn, biết đánh vần.
  • Sự ghi nhớ của thính giác: đó là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong việc học và nhớ những điều vừa nói ra. Nếu khi trẻ bắt đầu đi học, sự ghi nhớ của thính giác phát triển chưa đầy đủ thì trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ những công việc, mục đích được giao (bài tập), do vậy trẻ sẽ không biết việc gì làm trước, việc gì làm sau.

be tap nghe

Ở những độ tuổi khác nhau, trẻ hiểu sự vật, sự việc qua thính giác như thế nào?

 0-1 tháng: Trẻ phản ứng lại tiếng vỗ tay bất thình lình.

 3-4 tháng:

  • Nhận được giọng nói của mẹ.
  • Phản ứng tích cực khi nghe nhạc nhẹ.
  • Hiểu được cách nói chuyện của người lớn với trẻ như mỉm cười, “hóng chuyện”.
  • Không thích tiếng động to (bắt đầu khóc).

5-6 tháng: Lắng nghe những cuộc nói chuyện; “Nói chuyện với mẹ”.

8-9 tháng:

  • Quay đầu lại phía có tiếng gọi.
  • Thích phát ra âm thanh.
  • Hiểu được những từ riêng biệt.

1 tuổi:

  • Lắng nghe “ở đâu…”.
  • Tuân theo những “mệnh lệnh” đơn giản.

1 tuổi rưỡi:

  • Lắng nghe và phản ứng lại khi nghe thấy tên mình.
  • Thích nghe hát và âm nhạc.
  • Hiểu được tên người và đồ vật.
  • Thích tìm các đồ vật khi được hỏi.

2 tuổi:

  • Hiểu được âm thanh từ các đối tượng khác nhau.
  • Thường nhắc lại các từ trong câu, đặc biệt là từ cuối trong câu nói của người lớn.

2 tuổi rưỡi: Thích và hiểu được những câu chuyện đơn giản.

3 tuổi:

  • Hiểu sự việc khi người lớn đọc chuyện và chỉ vào tranh.
  • Có thể phân biệt được giai điệu của các bài hát.

4 tuổi: Có thể nhớ và nhắc lại những câu đơn giản.

5 tuổi: Có thể kể lại những sự việc đã xảy ra.

6 tuổi: Kể lại sự việc một cách chi tiết hơn.

RÈN LUYỆN THÍNH GIÁC CHO TRẺ:

Khả năng nghe và phân biệt âm thanh phụ thuộc rất nhiều vào sự luyện tập.

Luyện cách phân biệt âm thanh, trước hết là những âm ở gần, sau đó là những âm ở xa. Trẻ nhỏ thích “hóng chuyện”, trẻ đi vào giấc ngủ dễ dàng khi được nghe những âm thanh dịu dàng, tha thiết của lời ru, của những bản nhạc nhẹ với những giai điệu chậm rãi, sâu lắng. Trẻ thích chơi với những đồ chơi, trò chơi có âm thanh. Bắt đầu từ những trò chơi đơn giản như: “ú òa”, “xúc xắc” đến các trò chơi với những điều kiện cao như chơi đàn.

Có thể tổ chức rèn luyện thính giác cho trẻ dưới các dạng trò chơi như sau:

  • Bắt chước tiếng kêu của các con vật.
  • Nhận biết các âm thanh (Của ai? Của cái gì? Nó ở đâu?…).
  • Phán đoán các âm thanh (khi không nhìn thấy nơi phát ra âm thanh).
  • Nghe nói thầm. Thông tin sẽ lần lượt được truyền đi trong nhóm theo cách nói thầm từ âm đầu tiên đến âm cuối cùng xem còn chính xác không.
  • Đóng kịch, bắt chước giọng nói của các nhân vật. Biểu hiện các trạng thái vui, buồn, tức giận.
  • Vận động theo nhạc.

2giadinh.com

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Subscribe
Notify of
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận