Tầm quan trọng của giấc ngủ không phải ai cũng biết

Rate this post

Ngủ là trạng thái không có ý thức tự nhiên, trong đó, hoạt động não không thấy rõ, ngoài việc tiếp tục duy trì các chức năng cơ thể căn bản như hô hấp, tuần hoàn.

Lợi ích của giấc ngủ:

Khoa học cũng như kinh nghiệm cá nhân đã nhấn mạnh sự quan trọng của giấc ngủ đối với cơ thể, không kém gì không khí, thực phẩm, nước uống.
Trong khi bạn ngủ, biết bao những diễn biến sinh hóa âm thầm xảy ra trong cơ thể để tồn trữ nhiên liệu, bảo trì tế bào, thay thế tế bào già yếu.
Giấc ngủ ngon làm sức khỏe bền bỉ, đồng thời làm giảm căng thẳng, xoa dịu tâm trí. Đấy là một liều thuốc hiệu nghiệm để chữa sự mỏi mệt về thể chất lẫn tâm hồn.

Sleeping beauty

Diễn tiến giấc ngủ

Giả sử người đang ngủ mà có thể tự quan sát, diễn tiến của giấc ngủ sẽ như sau:

Sau khi nằm xuống giường độ 30 phút, con người thấy thư giãn, rồi đi vào tình trạng nửa tỉnh, nửa mê, tâm hồn như bay bổng lâng lâng, hồn như tạm lìa khỏi xác. Sau vài giây, bạn sẽ đi vào giai đoạn ngủ say: hơi thở nhẹ nhàng, nhãn cầu chớp chớp, ngón tay lạnh, ngón chân ấm, cảm giác mờ đi, máu tiếp tục chuyển lên não, huyết áp giảm, tim đập chậm, thân nhiệt hạ.

Người ngủ lúc đầu nằm yên, nhưng sau đó tay, chân mấp máy cử động nhẹ, rồi toàn thân giở mình qua trái, qua phải, lật ngửa, lật xấp. Sự giở mình này xảy ra tới cả vài chục lần trong một đêm. Sau 1 thời gian ngủ, diễn biến trở ngược, ngủ nhẹ nhàng hơn, tỉnh lại dần dần, rồi tỉnh hẳn và thức dậy.

Nhu cầu ngủ

Nhu cầu ngủ, khả năng ngủ để hiệu năng sinh hoạt ngày hôm sau không trở ngại, tất cả đều tùy theo tuổi tác.

Trẻ sơ sinh ngủ tới 17 giờ mỗi ngày, mà sinh non tháng, lại ngủ nhiều hơn; 6 tháng, ngủ 14 tiếng; 16 tuổi ngủ 10 tiếng; kể từ khi đại học cho tới trưởng thành thì ngủ 7, 8 tiếng. Như vậy 1 người sống 75 tuổi, đã dành 25 năm chỉ để ngủ.

Ngủ là 1 sự bắt buộc phải có, thiếu ngủ, khả năng nhận thức bị ảnh hưởng trầm trọng.

giac-ngu

Rối loạn giấc ngủ

Ở người cao tuổi, sự ngủ thay đổi một cách khá rõ rệt:

  • Số giờ thực sự ngủ giảm. Nhiều người nằm trằn trọc, suy nghĩ suốt đêm.
  • Chất lượng của giấc ngủ kém, ngủ không ngon giấc, không ngủ say.
  • Giấc ngủ bị gián đoạn vì hay thức giấc giữa khuya, khó dỗ lại giấc ngủ.
  • Ngủ tỉnh, mẫn cảm với tiếng động, dù rất nhẹ cũng dễ giật mình tỉnh dậy.
  • Khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ, có khi nằm mắt mở thao láo cả mấy tiếng đồng hồ.
  • Thời gian nằm trên giường nhiều hơn để cố gắng ngủ bù lại số giờ bị thiếu.
  • Hay dậy sớm.
  • Thường hay ngủ ngày, ngủ trưa.

Trên đây là những là những thay đổi bình thường về sự ngủ của tuổi cao, nhất là khi ít vận động. Với tuổi cao, giấc ngủ còn bị thay đổi, xáo trộn vì nhiều lí do khác như:

  • Tuổi cao hay có những chứng bệnh như đau nhức phong thấp, tiêu hóa kém, hay đầy bụng, hay tiểu đêm, khó thở do bị bệnh tim, phổi, làm gián đoạn giấc ngủ.
  • Tuổi cao dễ bị ảnh hưởng bởi những ưu tư, sầu muộn, lo sợ sự suy yếu của sức khỏe nên hay trăn trở, khó ngủ.

Mất ngủ tạm thời chỉ bị độ vài đêm liên tiếp rồi thôi. Thường là do căng thẳng, vui buồn trong đời sống, giờ giấc làm việc thất thường hoặc mất phương hướng trong du lịch, di chuyển lệch múi giờ.

Ngắn hạn thì từ vài tuần đến 1 vài tháng, với mất ngủ xảy ra đều đều mỗi đêm và do thói quen ngủ kém hoặc do các đau đớn cơ thể, dằn vặt tâm hồn.

Còn kinh niên thì sự mất ngủ kéo dài là do các bệnh thể chất, nhất là tinh thần, mà 2/3 là u sầu, sợ hãi, buồn phiền, ám ảnh.

Hậu quả của việc mất ngủ

Sau đây là một số hậu quả của việc mất ngủ:

  • Sau vài lần trắng đêm, con người như mất hồn, kém chú ý, kém tập trung, không nhạy bén, tính tình trở nên cáu gắt.
  • Cơ thể mệt mỏi, không có sinh lực, tay run, mắt sụp, quầng đen xuất hiện, ngáp vặt, luôn miệng than phiền đêm qua không ngủ. Hiệu năng làm việc giảm rõ rệt. Tai nạn xe cộ và tai nạn nghề nghiệp gia tăng.
  • Mất ngủ còn gây những thiệt hại cho sự tăng trưởng, hồi phục của mô tế bào; việc tiếp tế nhiên liệu cho não bộ; việc loại bỏ chất cặn bã của tế bào, chức năng thần kinh, khả năng miễn dịch với các bệnh ung thư hay nhiễm độc vi trùng đều bị suy yếu.

Mất ngủ không phải là 1 bệnh, mà chỉ là triệu chứng, 1 dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau: bệnh của lục phủ ngũ tạng, bệnh của tâm thần, của thói xấu, tật hư.

Để ngủ ngon tự nhiên, hãy sắp xếp một bài học về Vệ sinh về giấc ngủ như sau:

  • Đi ngủ có giờ giấc.

Ngủ cùng giờ và thức dậy cùng giờ, tạo thành 1thói quen để đồng hồ sinh học và nhịp sinh học trong người không bị rối loạn. Nếu cần thay đổi giờ đi ngủ cũng đừng lên giường trễ quá nửa đêm. Ngủ nướng cuối tuần là việc rất hấp dẫn nhưng không lành mạnh vì khi đó nhịp sinh học lại phải điều chỉnh lại giờ giấc mỗi tuần.

  • Tránh tập luyện quá sức trước khi đi ngủ, làm tinh thần bị kích thích và khó đi vào giấc ngủ, vì thế nên tập nhẹ 3 giờ trước khi đi ngủ.
  • Tránh ăn quá no sát giờ ngủ vì thức ăn chưa được tiêu hóa gây cảm giác nặng bụng sẽ khiến cho bạn khó ngủ nhất là các thức ăn có nhiều gia vị chua, cay. 1 chút trái cây hay 1 ly sữa ấm thì tốt hơn cho giấc ngủ ngon vì trong sữa có chất giúp ngủ tryptophan.
  • Tránh những chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu mạnh.

Cà phê có tình cách gây phấn khởi, khiến khó ngủ. Rượu uống trước khi đi ngủ có thể làm bạn ngủ đấy, nhưng kinh nghiệm cho hay, rượu làm bạn hay tiểu đêm, khó thở, và tạo ra những cơn ác mộng.

  • Không gian ngủ.

Nơi ngủ phải tuyệt đối yên tĩnh, thoáng khí, nhiệt độ vừa phải, nệm không cứng quá hoặc mềm quá. 1 điểm quan trọng là: chỉ dùng phòng ngủ để ngủ, không coi TV, nhất là những phim kinh dị hoặc quá kích động, gây vương vấn tâm trí; không ăn vặt trong phòng ngủ; không bàn luận về chuyện làm ăn hay khó khăn trong ngày  để tránh làm xáo trộn giấc ngủ.

  • Đi ngủ với tâm hồn thoải mái

Đừng mang suy tư, buồn bực vào giường.

Nếu có việc phải làm cho ngày hôm sau hoặc có những tâm sự trong lòng, hãy ngồi viết hết những điều đó ra, đặt ưu tiên giải quyết cho ngày hôm sau rồi sau đó đi ngủ.

  • Thức giấc nửa đêm.

Những lúc thức giữa khuya, bạn thường là rất khó ngủ lại rồi nằm trằn trọc. Hãy ngồi dậy, đi làm bất cứ 1 việc nào đó, tới khi thấy mệt và buồn ngủ rồi đi ngủ. Đừng nằm trên giường, ngó đồng hồ và đếm thời gian đi qua.

2giadinh.com

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Subscribe
Notify of
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận