Theo khoản 1 Điều 56 NĐ 167/2014/NĐ-CP, các bà vợ có thể bị phạt 300.000 – 500.000 đồng về “tội” kiểm soát lương của chồng.
Tư tưởng người vợ nắm “tay hòm chìa khóa” đối với Việt Nam khá phổ biến. Thường thì lương của người chồng sẽ bị giữ hết và chỉ chừa lại từ 2 – 3 triệu đồng/tháng để chi tiêu.
Những việc tưởng như thông thường này lại đang vi phạm quy định của pháp luật theo Khoản 1 Điều 56 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, việc kiểm soát chặt tiền của chồng khiến chồng không đủ tiền trang trải những chi tiêu thiết yếu bị quy vào hành vi “không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng”.
Với “tội” này, theo quy định, người vợ sẽ bị phạt hành chính từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Bàn luận về Nghị định 167/2013/NĐ-CP, PV ĐS&PL đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Văn Thanh Sĩ, tổng đài tư vấn 1088 TP. HCM trả lời PV ĐS&PL rằng: “Phạt người có lỗi nhưng tiền ở đâu? Pháp luật quy định, tài sản trong hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, vì thế 1 triệu đồng tiền phạt này cũng từ túi tiền gia đình mà ra, như vậy “nạn nhân” là vợ hay chồng cũng bị thiệt hại lây”.
Đồng tình với ý kiến này, theo bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, để chứng minh được lỗi này cũng không phải là việc dễ.
Nhiều chuyên gia nhận định, tài chính vốn là một vấn đề khá nhạy cảm trong hôn nhân. Tốt nhất, nên có sự thỏa thuận giữa hai bên, với nguyên tắc cả hai phải góp tiền cho ngân sách của gia đình để duy trì sinh hoạt chung, nuôi dạy con cái…
Trao đổi với luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), luật sư đã nêu ra một số vấn đề trong việc xử phạt hành chính này: “Nếu một người kiểm soát tài chính để người kia lệ thuộc thì việc xử phạt tiền có khắc phục được tình trạng đó? Chứng cứ nào chứng tỏ họ phạm lỗi? Làm sao phổ biến tuyên truyền để người chồng, người vợ ý thức được việc mình làm và tự chuyển biến”.
Bên cạnh đó, theo luật sư An: “Tiền bạc của chồng hay vợ được coi là tài sản chung, nếu chồng bị phạt tiền thì vợ cũng gián tiếp bị “mất tiền oan”. Điều này sẽ khiến người trong cuộc chịu đựng thay vì mất tiền phạt. Ngoài ra, việc bị phạt cũng sẽ khiến trong gia đình bất hòa. Theo tôi, quy định này là không phù hợp và rất khó khả thi”.
Tư vấn về vấn đề này, trên báo Thanh Niên, LS Phạm Văn Thạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: “Mỗi thành viên trong gia đình ít nhiều cũng phải được quản lý số tiền mình kiếm được, đó là quyền độc lập của mỗi người. Vợ chồng nhất thiết phải trao đổi thẳng thắn với nhau số tiền chi tiêu hàng tháng và có một thỏa thuận cụ thể. Tiền bạc là công sức, là trí tuệ, là mồ hôi nước mắt của người làm ra, hãy để cho ai làm ra tiền quản lý tiền của họ việc này thể hiện tính văn minh và tốt cho một gia đình”.
Điều 56. Hành vi bạo lực về kinh tế (Nghị định 167/2013/NĐ-CP) 1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình; … |
Quế Hoa (Tổng hợp)