Tại sao tổ yến lại có tác dụng bổ dưỡng, quý giá đối với sức khỏe? Bởi vì người ta đã chứng minh được tổ yến có chứa làm lượng protein khá cao (45 – 55%), có chứa nhiều loại acid amin rất cần thiết cho cơ thể như: aspartic acid, prolin, cystein, phenylalamine, tyrosin, acid syalic, một số chất như sắt, calci, phospho, kali và cả chất glucosamin rất cần thiết cho điều trị các hiện tượng thoái hóa xương khớp. Theo y học cổ truyền, yến sào có vị ngọt, tính bình đi vào hai đường kinh phế và vị, có tác dụng điều trị và bổ dưỡng nâng cao thể trạng trong những trường hợp ho hen lâu ngày, ho lao, ho ra máu, nôn ra máu. Một số tài liệu còn cho rằng yến sào có thể kéo dài tuổi thanh xuân và “cải lão hoàn đồng!” (dĩ nhiên tất cả những tác dụng này cần phải được chứng mình một cách khoa học). Tuy nhiên, y học cổ truyền cũng có khuyến cáo là những bệnh nhân bị bệnh chứng tỳ vị hư hàn (sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn khó tiêu, đi tiêu phân lỏng, phân sống, người mệt mỏi) thì không nên dùng yến sào.
Chính vì yến sào có tác dụng phục hồi sức khỏe chung, nâng cao thể trạng và sức đề kháng của cơ thể rất tốt cho nên hiện nay – ngoài việc sử dụng yến sào như một thức ăn bổ dưỡng để phục hồi sức khỏe cho người già, phụ nữ sau sinh, trẻ em gầy yếu, người mới ốm dậy hay kết hợp điều trị những bệnh nặng, suy kiệt thông thường – người ta còn sử dụng yến sào để bồi dưỡng cho những trường hợp bị ung thư, sau phẫu thuật, hóa trị, xạ trị với hiệu quả tốt.
Nên ăn yến sào như thế nào thì hợp lý? Bất cứ một loại thuốc bổ dưỡng hay một thức ăn trân quý nào cũng phải được sử dụng cho đúng cách, đúng với loại bệnh, liều lượng vừa đủ và chế biến thích hợp. Yến sào thường được sử dụng dưới hai dạng chè phổ biến nhất; đó là chưng yến sào với đường phèn (loại tốt) hoặc chưng yến sào với đường phèn, táo tàu, hạt sen. Mỗi một chén chè yến như thế sử dụng khoảng 5 đến 10 gram yến sào là vừa đủ và ăn một tuần 3 lần; nếu kinh tế gia đình dồi dào có thể ăn yến sào lâu dài. Một món ăn có yến sào cũng rất dễ chế biến gọi là “yến thả”, được chế biến như sau:
- Chọn gà mái tơ hay gà giò làm thịt rồi lấy hết nội tạng, rửa gà thật sạch cho vào nồi đun nhỏ lửa cho đến khi vừa chín; lấy gà ra xé thịt gà thành từng miếng nhỏ; nước luộc gà phải cho thêm gia vị và nêm nếm làm sao để trở thành một dạng nước lèo thật ngon (không được cho thêm bột ngọt hay bột nêm).
- Ngâm tổ yến trước đó khoảng 30 phút cho những sợi yến tách rời ra; dùng kẹp nhỏ gắp hết những lông chim và các tạp chất nếu có; sau đó lấy từng sợi yến đã rửa sạch xếp vào tô. Chưng cách thủy tô yến sào này trong khoảng 20 đến 30 phút (lửa nhỏ riu riu).
- Lấy yến sào ra bỏ vào trong những cái chén với số lượng từ 5 đến 10 gram cho mỗi chén; đặt thịt gà đã xé nhỏ lên trên và đổ nước lèo đang nóng vào chén; thế là chúng ta đã có một chén “yến thả gà” rất hấp dẫn.
Đây là những cách sử dụng yến sào phổ biến từ lâu đời, rất dễ chế biến, dễ hấp thu vào cơ thể và ai cũng có thể làm được cho chính mình hay người thân của mình sử dụng. Những phương thức chế biến yến sào với những món ăn quý báu, bổ dưỡng khác mà chúng ta thường thấy quảng cáo trong các nhà hàng ăn nổi tiếng thường cầu kỳ, phức tạp, chỉ nên thưởng thức cho biết mà thôi.